7 nguyên nhân nổi hạch sau gáy và cách xử lý

7 nguyên nhân nổi hạch sau gáy và cách xử lý

Nổi hạch sau gáy hoặc tình trạng cục u nổi lên sau gáy (sau đầu, sau cổ) có thể do nhiều nguyên nhân. Mặc dù đa số trường hợp đều lành tính nhưng nếu bạn lơ là, đôi khi bạn đã bỏ qua dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. 

Vậy những tình trạng hay vấn đề sức khỏe nào có nguy cơ dẫn đến hình thành khối u ở phía sau đầu (vùng gáy)? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn với Hello Bacsi qua các thông tin sau đây nhé! 

Các nguyên nhân làm nổi hạch sau gáy 

Nổi hạch sau gáy là mô tả chung của nhiều bệnh nhân về tình trạng xuất hiện cục u ở vùng gáy chẩm sau đầu. Một số trường hợp thực sự liên quan đến hệ thống hạch bạch huyết, làm cho các hạch sau gáy nổi rõ lên, có thể quan sát và sờ thấy. Một số khác có thể là do các nguyên nhân bệnh lý làm sưng u vùng da sau gáy. Các nguyên nhân liên quan đến tình trạng này bao gồm: 

Sưng hạch bạch huyết sau cổ 

Nổi hạch sau gáy có thể là do sưng các hạch bạch huyết nằm gần phía sau cổ của bạn. Một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này bao gồm: 

  • Cảm lạnh thông thường.
  • Viêm họng hạt.
  • Sâu răng.
  • Nhiễm trùng tai.
  • Viêm phế quản.
  • Viêm kết mạc.
  • Nhiễm trùng tuyến nước bọt.

Ngoài ra, một số nguyên nhân gây nhiễm trùng toàn thân hoặc các bệnh lý miễn dịch tác động đến hệ thống bạch huyết cũng làm nổi hạch sau gáy: 

  • Các nhiễm trùng mãn tính, suy giảm hệ miễn dịch như HIV/AIDS.
  • Bệnh lao phổi. 
  • Viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ hay các rối loạn miễn dịch khác. 

Nếu nổi hạch sau gáy là do nhiễm trùng, tình trạng này thường tự khỏi sau khi đã điều trị hết nguyên nhân gây bệnh. 

Ung thư hạch 

nổi hạch sau gáy có thể là dấu hiệu của ung thư hạch

Các hạch bạch huyết sưng to, không gây đau đớn và có thể sờ thấy ở hai bên cổ, sau gáy, vùng bẹn, dưới cánh tay thường được xem là dấu hiệu ban đầu của ung thư hạch (u lympho không Hodgkin). Tuy nhiên theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nổi hạch sau gáy hay ở bất kỳ vị trí nào khác thường là do nhiễm trùng hơn là ung thư hạch. 

Một số triệu chứng kèm theo sưng hạch bạch huyết cảnh báo ung thư hạch gồm: 

  • Đổ mồ hôi đêm.
  • Sốt.
  • Uể oải, mệt mỏi.
  • Ngứa da.
  • Phát ban.
  • Giảm cân không giải thích được.
  • Đau khi uống rượu.
  • Đau xương.

Khi càng có nhiều triệu chứng trong số triệu chứng kể trên, càng nghi ngờ ung thư hạch. Tuy nhiên, một số trường hợp ung thư hạch phát triển khá âm thầm và không có triệu chứng. 

Các nguyên nhân khác làm nổi hạch sau gáy

Bên cạnh nổi hạch bạch huyết do nhiễm trùng làm sưng hạch và ung thư hạch, các cục u bất thường ở sau gáy hoặc dọc theo đường chân tóc còn có thể do nhiều nguyên nhân như: 

U nang bã nhờn 

U nang bã nhờn là những nốt mụn mọc chậm, vô hại dưới da, thường xuất hiện ở vùng gáy và da đầu, da mặt, sau tai hoặc ở trên thân mình, lưng và vùng bẹn. Các u nang này có thể liên quan đến mụn trứng cá hay các vấn đề ở ống bã nhờn. Mặc dù thường tự khỏi nhưng đôi khi những u nang này vỡ ra sẽ có nguy cơ gây nhiễm trùng. 

Tóc mọc ngược 

tóc mọc ngược cũng làm nổi hạch sau gáy

Tóc hay lông mọc ngược do cạo hay tẩy lông không đúng cách cũng có thể tạo thành những nốt mụn u lên ở vị trí nang lông. Tình trạng này thường xảy ra ở vùng mọc râu ở đàn ông nhưng cũng có thể có hình thái tương tự như nổi hạch sau gáy ở những người cắt tóc ngắn hoặc cạo trọc đầu. Tóc mọc ngược thường tự khỏi và bạn nên phòng tránh trường hợp này bằng cách hạn chế cạo hoặc tẩy tóc. 

Mụn nhọt 

Mụn nhọt là những nốt mụn bọc chứa đầy mủ, hình thành dưới da do vi khuẩn phát triển dưới nang lông của người bệnh. Mụn nhọt có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên da nhưng thường gặp ở vùng cổ sau gáy do mồ hôi và ma sát với quần áo thường xuyên. 

Bạn có thể tự chăm sóc mụn nhọt tại nhà bằng cách chườm ấm thường xuyên nhưng lưu ý đừng cố gắng chọc hút dịch lỏng bên trong mụn bọc. Dẫn lưu làm xẹp mụn nhọt cần được thực hiện bởi bác sĩ và đôi khi bác sĩ cũng sẽ cần kê đơn kháng sinh cho các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hơn. 

U mỡ 

nổi hạch sau gáy do u nang mỡ

U mỡ là một loại khối u lành tính, không phải ung thư. U mỡ thường biểu hiện các đặc tính như: 

  • Mềm và nhão.
  • Dễ dàng di chuyển dưới da.
  • Có kích thước nhỏ nhưng chúng cũng có thể phát triển lớn hơn. 
  • Gây đau đớn nếu các khối u này phát triển chèn ép lên mạch máu và các dây thần kinh gần đó. 

Đa số trường hợp u mỡ thường không cần điều trị trừ khi chúng gây đau cho bệnh nhân. Tuy nhiên khi đến gặp bác sĩ có thể bạn sẽ được chỉ định sinh thiết các khối u gây nổi hạch sau gáy này để xác định xem có phải là u mỡ hay các vấn đề khác. Nếu là u mỡ, chọc hút mỡ có thể giải quyết được vấn đề. 

Viêm nang lông sẹo lồi 

Đây là dạng bất thường của viêm nang lông mãn tính và rụng tóc từng mảng gây ảnh hưởng đến vùng da sau gáy. Tình trạng này khởi phát bởi các nốt mụn tròn, nhỏ gây ngứa ngáy ở vùng da sau đầu. Những nốt mụn sần này gây ngứa dữ dội và thúc đẩy nhiễm trùng thứ phát hình thành. Theo thời gian, các vết sưng ngứa sẽ phát triển thành sẹo lồi, lớn dần và tóc không thể mọc trở lại trên các vùng sẹo này. 

Viêm nang lông sẹo lồi vẫn tiếp tục tồn tại dù đã được điều trị. Một số phương pháp giữ gìn vệ sinh và tránh ma sát có thể giúp bảo vệ vùng da sau gáy, hạn chế viêm nang lông sẹo lồi. Ngoài ra, kháng sinh hoặc corticosteroid có thể được giúp ích ngăn chặn tình trạng này phát triển mạnh mẽ hơn. 

Khi nào nổi hạch sau gáy cần đi khám bác sĩ?

nổi hạch sau gáy khi nào cần gặp bác sĩ

Hầu hết các trường hợp nổi hạch sau gáy lành tính và không cần điều trị. Tuy nhiên, phải đi khám bác sĩ ngay nếu phát hiện: 

  • Các triệu chứng của nhiễm trùng nặng không đáp ứng với thuốc hạ sốt. 
  • Nổi hạch sau gáy không xẹp lại sau 2-4 tuần. 
  • Hạch phát triển thành một khối u cứng và cố định. 
  • Khối u phát triển nhanh chóng hay khó để kiểm soát.
  • Nổi hạch sau gáy kèm theo sốt, sụt cân ngoài ý muốn hoặc đổ mồ hôi đêm. 

Các trường hợp nổi hạch sau gáy thường không phải là vấn đề sức khỏe đáng lo. Nhưng nếu có bất kỳ lo lắng hay thắc mắc nào về tình trạng này, hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhé! 

top