Chu vi vòng đầu thai nhi: Chỉ số quan trọng ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé

Chu vi vòng đầu thai nhi: Chỉ số quan trọng ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé

Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh con qua ngả âm đạo, đặc biệt là các chỉ sốsinh trắc học thai nhi. Một trong những thông số sinh trắc học quan trọng nhất là chu vi vòng đầu thai nhi. Vậy, chỉ số này là gì? Thai nhi được đánh giá là bình thường và khỏe mạnh khi thông số này là bao nhiêu? Thai nhi nhỏ có sao không? Thai nhi đầu to có sao không?

Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để có được câu trả lời.

Chu vi vòng đầu thai nhi là gì?.

Chu vi vòng đầu thai nhi, ký hiệu là HC (Head Circumference), là một phép đo nhân trắc học có thể được sử dụng để đánh giá xem kích thước đầu của trẻ có nằm trong giới hạn bình thường so với tuổi thai hay không. HC của thai nhi là một phần không thể thiếu của các mô hình siêu âm. Nguyên nhân là vì:

  • Một đặc điểm quan trọng của quá trình chuyển dạ là sự thích nghi giữa đầu thai nhi và xương chậu của mẹ. Việc đo chu vi vòng đầu của thai nhi giúp bác sĩ chẩn đoán khả năng sản phụ có thể sinh thường hay cần mổ lấy thai.
  • Chu vi vòng đầu có tương quan chặt chẽ với thể tích não. Sự gia tăng đáng kể nhất về thể tích não trẻ xảy ra trong giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ và 2 năm đầu sau khi sinh. Do đó, chu vi vòng đầu là thước đo đại diện cho sự phát triển của não kể cả khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ và khi được sinh ra. Những thay đổi của HC trong giai đoạn này phản ánh gián tiếp sự phát triển não trong tử cung và sau khi sinh và có thể có ý nghĩa tiên lượng liên quan đến kết quả phát triển sau này của bé.

Việc ước lượng chính xác vòng tròn đầu của thai nhi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc:

  • Ước tính cân nặng của thai nhi
  • Tuổi thai
  • Đánh giá đúng sự phát triển của thai nhi
  • Phát hiện các yếu tố nguy cơ của sản phụ
  • Chẩn đoán sự phát triển đầu bất thường của thai nhi.

Cách đo chu vi vòng đầu thai nhi

cách đo chu vi vòng đầu thai nhi

Các phép đo siêu âm thai có thể đo lường và xác định được các chỉ số thai nhi, bao gồm:

  • Chu vi vòng đầu
  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD)
  • Chiều dài đầu mông (CRL – Crown-Rump Length)
  • Chiều dài xương đùi (FL)
  • Chu vi vòng bụng (AC)
  • Đường kính xương chẩm (OFD).

Hình ảnh siêu âm có thể được sử dụng để phát hiện các yếu tố nguy cơ của mẹ bầu hoặc thai nhi. Bác sĩ siêu âm cần được đào tạo bài bản để đo được các thông số sinh trắc học này. 

Thông thường, việc đo chu vi vòng đầu thai nhi được thực hiện sau khi thai được 12 tuần. Những chỉ số này được tính toán để đưa ra ước tính trọng lượng của thai nhi. 

Bảng chu vi vòng đầu của thai nhi theo tuần

Ở mỗi giai đoạn, thai nhi sẽ có chu vi vòng đầu khác nhau. Các em bé trong cùng một giai đoạn có thể có chu vi vòng đầu không giống nhau. Sự khác biệt này giúp các bác sĩ chẩn đoán dị tật cũng như xác định mức độ phát triển của thai nhi.

Theo một số nghiên cứu, chỉ số chu vi vòng đầu thai nhi trung bình ở những em bé phát triển bình thường theo từng giai đoạn của thai kỳ như sau:

chỉ số chu vi vòng đầu thai nhi

Bảng chỉ số chu vi vòng đầu thai nhi trung bình theo từng giai đoạn của thai kỳ

Đối với một trẻ sơ sinh đủ tháng khỏe mạnh, chu vi vòng đầu bình thường là khoảng 33 – 37cm khi sinh. Trẻ em giới tính nam thường có chu vi vòng đầu lớn hơn 0,5cm so với nữ.

Thai nhi đầu to có sao không?

chu vi vòng đầu thai nhi to có sao không?

Chu vi vòng đầu thai nhi to là tình trạng HC lớn hơn đáng kể so với mức trung bình. Đây có thể là đặc điểm của nhiều loại rối loạn, nhưng cũng có thể do di truyền. Thực tế, chu vi vòng đầu thai nhi to thường có tính chất gia đình hoặc lành tính và không phải lúc nào cũng có thể liên quan đến rối loạn.

Những nguyên nhân thường gặp của tình trạng này là: 

  • Não phì đại
  • Não úng thủy (sự tích tụ dịch não tủy gây giãn các não thất)
  • U xơ thần kinh
  • Xơ cứng củ.

Trẻ em sau khi sinh mắc những bệnh này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ, thậm chí có thể bị mắc một số dị tật bẩm sinh.

Mặc dù một dạng tật đầu to có thể liên quan đến chậm phát triển trí tuệ, tuy nhiên, trong khoảng 50% trường hợp, sự phát triển thần kinh là bình thường. 

Ngoài ra, so với yếu tố cân nặng ước đoán cao, chu vi vòng đầu lớn liên quan chặt chẽ đến việc sinh mổ ngoài kế hoạch hơn. Nếu khung xương chậu của mẹ nhỏ, mà chu vi vòng đầu của thai nhi quá to, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phương pháp mổ lấy thai cho sản phụ.

Vì sao thai nhi có chu vi vòng đầu nhỏ?

Chu vi vòng đầu thai nhi nhỏ là tình trạng HC nhỏ hơn đáng kể so với mức trung bình đối với độ tuổi và giới tính của thai nhi. Tình trạng này thường xảy ra khi não không phát triển với tốc độ bình thường và kết quả là hộp sọ của trẻ sơ sinh không thể mở rộng bình thường. Điều này khiến trẻ có nguy cơ mắc các chứng rối loạn thần kinh và nhận thức.

Ngoài việc liên quan đến những phát hiện bất thường về thần kinh, chậm phát triển trí tuệ và đôi khi co giật, chu vi đầu thai nhi nhỏ cũng thường do:

  • Nhiễm sắc thể bất thường (tam nhiễm hoặc mất đoạn)
  • Khiếm khuyết gene như Smith-Lemli-Opitz
  • Bệnh nhiễm trùng như rubella, cytomegalovirus, toxoplasmosis, hoặc có thể là virus Zika
  • Bệnh nhăn não
  • Não thất duy nhất
  • Đột quỵ thai nhi khi còn trong bụng mẹ
  • Sản phụ tiếp xúc với liều lượng bức xạ cao
  • Mẹ bầu sử dụng các loại thuốc như aminopterin hoặc hydantoin
  • Thai phụ bị bệnh phenylketon niệu (PKU).

Nên làm gì khi HC của thai nhi bất thường?

siêu âm khi chu vi vòng đầu thai nhi bất thường

Khi phát hiện chu vi vòng đầu của thai nhi bất thường, bao gồm những vấn đề như chứng đầu nhỏ hoặc tật đầu to, các bác sĩ sẽ tiến hành những phương pháp kiểm tra chuyên sâu hơn để tìm ra nguyên nhân của tình trạng này. Các phương pháp bao gồm:

  • Chụp MRI: Chụp MRI sẽ phản ánh hình ảnh chi tiết của cơ thể người mẹ đang mang thai. Những hình ảnh này giúp phát hiện nhanh những bất thường trong cấu trúc não và các cơ quan khác của thai nhi, từ đó có thể đánh giá tình trạng sức khỏe của em bé và có phương hướng điều trị phù hợp.
  • Siêu âm: Đây là biện pháp hoàn toàn an toàn đối với sản phụ và em bé, giúp bác sĩ theo dõi định kỳ thai nhi trong quá trình điều trị những bất thường của HC.
  • Chọc ối: Đây là biện pháp cuối cùng được cân nhắc khi những phương pháp khác không giúp xác định nguyên nhân vấn đề. Lý do là vì thủ thuật xâm lấn này có thể khiến sản phụ dễ gặp phải tình trạng sinh non. Phương pháp này sẽ giúp phát hiện nguyên nhân HC của thai nhi bất thường thông qua việc dùng mũi kim lấy nước ối dưới hướng dẫn của siêu âm. Mẫu dịch lấy được sẽ được kiểm tra nhanh để xác định các nguyên nhân gây tật đầu nhỏ như nhiễm sắc thể bất thường hoặc thai nhi bị nhiễm trùng.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được chu vi vòng đầu thai nhi là gì.

top