Hỏi đáp bác sĩ: Lá lốt nấu nước uống trị bệnh gì? Có giúp giảm đau nhức xương khớp không?

Hỏi đáp bác sĩ: Lá lốt nấu nước uống trị bệnh gì? Có giúp giảm đau nhức xương khớp không?

Bạn đọc hỏi:

Chào Bác sĩ, tôi là Ngọc, năm nay 58 tuổi. Dạo gần đây thời tiết thay đổi, nên tôi thường hay đau nhức xương khớp, đau lưng. Tôi nghe mọi người mách bảo nấu nước lá lốt uống có thể giúp trị đau nhức xương. Vậy cho tôi hỏi lá lốt nấu nước uống trị bệnh gì? Nước lá lốt có giúp trị đau nhức xương không? Ngoài công dụng trị đau nhức thì lá lốt nấu nước uống còn giúp trị bệnh gì?.

Bác Hồng Ngọc (58 tuổi).

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn,

Với câu hỏi: “Lá lốt nấu nước uống trị bệnh gì? Có giúp giảm đau nhức xương khớp không?”, BS CKI. Võ Thị Nhung (Quân Y Viện 7A) giải đáp như sau:

Outline

Xin chào bác Ngọc!

Qua thông tin mà bác cung cấp, tôi có thể đoán được phần nào về tình trạng bệnh xương khớp của bác. Ở tuổi 58 thì thường các bác sẽ có dấu hiệu về thoái hoá xương khớp nên các triệu chứng đau nhức xương khớp sẽ xuất hiện khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi nhiệt độ từ nắng ấm sang mưa lạnh. Trong y học cổ truyền, chứng bệnh đau nhức xương khớp khi gặp thời tiết lạnh ẩm gọi là chứng phong hàn thấp tý. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức từ êm ẩm đến nhức nhối các khớp đặc biệt là các khớp cổ tay, bàn tay,  bàn ngón tay,  khớp khuỷu, khớp gối, cổ chân, bàn ngón chân… có thể có kèm theo sưng nề các khớp, không nóng đỏ. 

Y học cổ truyền có rất nhiều vị thuốc điều trị hiệu quả chứng phong hàn thấp tý này, trong đó có một loại thuốc Nam vừa là cây thuốc vừa là gia vị rất sẵn có trong vườn nhà, đó là lá lốt.

Lá lốt có tên khoa học là Piper lolot C.DC. Bộ phận dùng là toàn cây. Theo y học cổ truyền, lá lốt có vị cay, tính ấm, quy kinh phế, tỳ, thận; có tác dụng trừ hàn, chống viêm, giảm đau nhức xương khớp, đau đầu, đau lưng, ra mồ hôi tay chân, đau răng, hỗ trợ tiêu hóa, cầm nôn, cầm ỉa chảy…

lá lốt nấu nước uống

Lá lốt nấu nước uống có giảm đau nhức xương khớp tốt không?

Một trong các công dụng của lá lốt được nhắc đến nhiều nhất đó là tác dụng tốt trong giảm đau xương khớp. Bác có thể chỉ dùng độc vị lá lốt theo cách sau:

Bác lấy 5-10g lá lốt phơi khô tương đương 15-30g lá tươi, sắc 2 bát nước còn ½ bát, uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm, nên uống sau bữa ăn tối. Mỗi liệu trình điều trị khoảng 10 ngày. 

Để có hiệu quả tốt hơn bác có thể kết hợp các vị thuốc Nam khác như ngũ gia bì, cỏ xước, dây đau xương, hy thiêm thảo…Tuy nhiên để việc kết hợp có hiệu quả tốt nhất và an toàn, bác nên hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền. Đơn giản hơn nữa là bác dùng nước sắc lá lốt hoà lẫn lượng muối phù hợp và ngâm tay, chân lúc trời lạnh. Việc này giúp bác đỡ đau mỏi các khớp, đồng thời giúp ngủ ngon hơn.

Lá lốt nấu nước uống trị bệnh gì? Có tốt không?

Ngoài tác dụng về giảm đau nhức xương khớp, nước sắc lá lốt còn được ứng dụng nhiều trong điều trị chứng ra mồ hôi tay chân, trị bệnh tổ đỉa, đầy bụng ăn khó tiêu…

  • Trong trường hợp đau bụng do lạnh: lấy 20g Lá lốt tươi hoặc 5-7g lá lốt khô, rửa sạch, đun với 3 chén nước nước còn 1 chén. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày. 
  • Trị chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân: Lá lốt tươi 30g, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa.

Uống nước lá lốt hàng ngày có tốt không?

Tuy có tác dụng tốt trên nhiều mặt bệnh, nhưng nếu hỏi uống nước lá lốt hàng ngày có tốt không thì tôi khuyên bác không nên sử dụng nước sắc lá lốt trong thời gian dài. Thời gian được khuyên dùng là khoảng 7-10 ngày với liều lượng 8-12g/ngày lá lốt tương đương với 20-30g/ngày lá lốt tươi. Một số đối tượng người bệnh không nên sử dụng nước sắc lá lốt bao gồm: 

  • Người có bệnh lý viêm dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng…
  • Người hay nóng trong người, nhiệt miệng.
  • Phụ nữ sau sinh đang cho con bú cũng không nên uống nước sắc lá lốt do lá lốt có tác dụng làm giảm hoặc mất sữa.

Trân trọng!

top