Máu kinh nguyệt màu nâu: Khi nào bình thường, khi nào đáng báo động?

Máu kinh nguyệt màu nâu: Khi nào bình thường, khi nào đáng báo động?

Có thể các chị em sẽ cảm thấy bất an khi thấy máu kinh nguyệt màu nâu đen trong những ngày đầu hoặc cuối kỳ hành kinh. Thực tế hiện tượng này có đáng lo ngại không? Những nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn khiến phụ nữ ra máu kinh màu nâu là gì? 

Hầu hết các trường hợp ra máu kinh màu nâu ở ngày đầu và cuối kỳ kinh nguyệt không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu máu kinh màu nâu đi kèm với những triệu chứng sức khỏe khác có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý.

Máu kinh nguyệt màu nâu có bình thường không?

ra máu kinh nguyệt màu nâu

Máu kinh màu nâu là hiện tượng bình thường nếu bạn đang trong chu kỳ kinh nguyệt và không có các dấu hiệu bất thường như:

  • Ra cục máu đông cỡ lớn
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Đau bụng dưới dữ dội kéo dài
  • Máu kinh nguyệt màu nâu quá nhiều
  • Chảy máu âm đạo bất thường sau khi hành kinh
  • Các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn bình thường (buồn nôn, nôn, nhức đầu, đầy hơi, thay đổi tâm trạng,…)

Vì sao bạn ra máu kinh nguyệt màu nâu vào những ngày đầu và cuối chu kỳ? Trong thời điểm này, máu kinh thường ra ít và lưu thông chậm hơn. Vì thế, máu kinh nguyệt mất nhiều thời gian hơn để ra khỏi tử cung. Lúc này, quá trình oxy hóa khiến máu chuyển thành màu nâu. Ngoài ra, niêm mạc tử cung bị bong ra với tốc độ chậm trong chu kỳ cũng gây ra máu kinh nguyệt màu nâu hoặc nâu nhạt. 

Dấu hiệu kinh nguyệt màu nâu bất thường

máu kinh màu nâu ngày đầu

Theo Tiến sĩ Kollikonda từ Cleveland Clinic: “Rất hiếm khi màu sắc của máu kinh nguyệt là dấu hiệu báo động cho một tình trạng sản phụ khoa. Thay vào đó, bạn hãy chú ý đến: tình trạng ra máu bất thường giữa chu kỳ; chảy máu sau mãn kinh, hoặc ra quá nhiều/ quá ít máu kinh nguyệt. Bạn hãy đến bệnh viện kiểm tra nếu tình trạng máu kinh nguyệt màu nâu đi kèm với những tình trạng này.”

Vậy, máu kinh nguyệt màu nâu báo hiệu điều gì? Những nguyên nhân ra máu kinh nguyệt màu nâu nhạt có thể xuất phát từ các bệnh lý như:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Ung thư cổ tử cung
  • Viêm cổ tử cung
  • Polyp tử cung
  • Viêm âm đạo
  • Bệnh lây qua đường tình dục, gồm: bệnh lậu, chlamydia,…

Để xác định chính xác tình trạng máu kinh nguyệt màu nâu bất thường là bệnh gì, bạn nên đến kiểm tra tại bệnh viện.

Dấu hiệu kinh nguyệt màu nâu sau khi mãn kinh có nguy hiểm không?

ra máu kinh nguyệt màu nâu

Chảy máu âm đạo sau mãn kinh có thể là tình trạng ra đốm máu màu hồng, hoặc màu nâu lấm tấm, thậm chí là ra máu thành dòng giống như chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Một số lý do gây ra máu màu nâu có thể là do sự thay đổi nội tiết tố khiến các mô âm đạo và âm hộ mỏng và nhạy cảm hơn. Từ đó gây hiện tượng chảy máu khi có ma sát ở vùng này.

Chảy máu sau khi mãn kinh là không bình thường. Vì vậy, bạn nên đi khám sớm nhất có thể để xác định nguyên nhân.

Tiến sĩ Tamika C. Auguste thuộc Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ

Dấu hiệu máu kinh nguyệt màu nâu bất thường nên đi khám

máu kinh màu nâu ngày đầu

Bạn nên làm gì khi ra máu kinh màu nâu? Bạn nên cảnh giác và gặp bác sĩ nếu tình trạng ra máu kinh màu nâu đi kèm với một trong những triệu chứng sau:

  • Bạn không có kinh trong 3-6 tháng
  • Ra cục máu đông cỡ lớn khi hành kinh
  • Ra máu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày
  • Ra máu kinh nguyệt quá nhiều (băng vệ sinh đầy chỉ sau khoảng 1 giờ)
  • Ra máu màu nâu bất chợt sau khi kỳ kinh kết thúc
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều (khoảng cách giữa các kỳ hành kinh ngắn hơn 21 ngày, hoặc dài hơn 35 ngày)
  • Khí hư có mùi hôi, và/hoặc có màu sắc bất thường
  • Cơn đau bụng dưới, hoặc đau âm đạo dữ dội kéo dài.

Cách ngăn ngừa máu kinh màu nâu

Không có biện pháp cụ thể để ngăn ngừa máu kinh màu nâu. Trong tình trạng sức khỏe bình thường, máu kinh màu nâu chỉ đơn thuần là do các tế bào máu bị oxy hóa. Trường hợp bạn mắc phải các bệnh lý khác, biện pháp phòng ngừa sẽ khác nhau theo từng tình trạng cụ thể.

Nhìn chung, một số điều mà chị em phụ nữ có thể làm để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tổng quát là:

  • Theo dõi và lưu lại nhật ký chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
  • Thay băng vệ sinh ít nhất 4 giờ/ lần, thay tampon sau 4-8 giờ sử dụng.
  • Sử dụng giấy vệ sinh, băng vệ sinh hoặc tampon không hương liệu để tránh gây kích ứng da.
  • Vệ sinh âm đạo đúng cách hàng ngày gồm: rửa âm hộ bằng nước sạch sau khi đi vệ sinh; không thụt rửa vào âm đạo; không dùng sữa tắm, dầu gội để vệ sinh âm vật.
  • Giữ cho vùng kín luôn khô thoáng bằng cách: thường xuyên thay đồ lót, ưu tiên đồ lót từ vải cotton, lau khô vùng kín sau khi vệ sinh.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với rau xanh; trái cây; carbohydrate nguyên hạt (yến mạch, diêm mạch, bánh mì nguyên cám,…); protein nạc (cá, thịt ức gà,…); chất béo không bão hòa (quả bơ, các loại cá béo, các loại hạt,…).
  • Uống đủ nước mỗi ngày.

Tóm tắt


Máu kinh nguyệt màu nâu không nguy hiểm trong hầu hết các trường hợp có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Tuy nhiên, nếu bạn bị ra màu kinh màu nâu sau khi mãn kinh, hoặc nhận thấy tình trạng này đi kèm với những triệu chứng khác như: ra nhiều máu, kỳ kinh kéo dài, đau rát âm đạo và đau bụng dưới dữ dội,… Bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Nếu bạn còn những thắc mắc chưa được giải đáp về tình trạng ra máu kinh nguyệt màu nâu, hãy cho Hello Bacsi biết tại Cộng đồng Sức khỏe phụ nữ của chúng tôi nhé! Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi sẽ phản hồi sớm nhất có thể.

top