Thai nhi 36 tuần nặng bao nhiêu? Những điều mẹ bầu cần lưu ý

Thai nhi 36 tuần nặng bao nhiêu? Những điều mẹ bầu cần lưu ý

Thai nhi 36 tuần có nghĩa là bạn đang bước vào tháng thứ 9 của thai kỳ. Đây là lúc cơ thể bé sẽ hoàn thiện những bước phát triển cuối cùng để sẵn sàng chào đời. 

Thai nhi 36 tuần nặng bao nhiêu kg? Thai nhi 36 tuần phát triển như thế nào? Đây là những thắc mắc rất phổ biến của mẹ bầu, đặc biệt là những bà mẹ mới. 36 tuần là lúc hành trình mang thai đã bước vào giai đoạn cuối cùng, lúc này các cơ quan trong cơ thể bé sẽ phát triển hoàn thiện để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Hãy cùng xem tiếp những chia sẻ dưới đây từ Hello Bacsi để hiểu hơn về sự phát triển của thai nhi tuần 36.

Thai nhi 36 tuần nặng bao nhiêu kg? Chỉ số thai nhi 36 tuần

Nhiều ba mẹ tò mò thai 36 tuần nặng bao nhiêu? Bạn có thể hình dung thai nhi 36 tuần có kích thước cỡ một trái dứa  lớn, dài khoảng 47.4 cm tính từ đầu đến gót chân và nặng khoảng 2.352 – 3.153 kg. Với kích thước như vậy, bé gần như đã chiếm hết không gian trong túi ối. Điều này đồng nghĩa với việc con không còn thoải mái để “tung cước”, hay “chơi lộn mèo” nhiều như trước nữa.

Ở tuần thứ 36, chỉ số siêu âm thai cũng gần như đã hoàn chỉnh. Dưới đây là những mức chỉ số mẹ bầu có thể tham khảo:

  • Đường kính lưỡi đỉnh BPD: 83 – 96 mm, trung bình 90 mm
  • Chu vi vòng bụng AC: 285 – 375 mm, trung bình 318 mm
  • Chiều dài xương đùi FL: 64 – 79 mm, trung bình 70 mm
  • Chu vi vòng đầu HC: 309 – 352 mm, trung bình 324 mm.

Lượng nước ối ở tuần thứ 36 có thể tăng lên tới 800 ml hoặc nhiều hơn và mực nước ối đo theo chỉ số AFI có thể nằm trong khoảng từ 6-18 cm. Nếu chỉ số ối thấp hơn 5 cm (thiếu ối) và nhiều hơn 25 cm (đa ối) thì mẹ cần được theo dõi sát sao.

Thai nhi tuần 36 phát triển như thế nào?

thai nhi 36 tuần

1. Phát triển da và xương

Thai nhi 36 tuần phát triển như thế nào? Từ một hình ảnh bé nhỏ giờ đây nếu nhìn vào hình ảnh siêu âm thai 36 tuần, bạn sẽ thấy bé dần phát triển đầy đặn. Phần má lúc này hình thành lớp mỡ và cơ, góp phần tạo nên khuôn mặt phúng phính vô cùng đáng yêu.

Phần xương cấu tạo nên hộp sọ phát triển đầy đủ, chưa đóng khớp và có thể di chuyển và chồng chéo lên nhau. Hiện tượng này được gọi là hiện tượng chồng khớp sọ và sẽ giúp cho đầu thai nhi dễ dàng di chuyển qua ngả âm đạo khi sinh. Khi mới sinh, đầu bé có thể trông hơi nhọn nhưng bạn không cần phải lo lắng, vì sau một vài giờ hoặc vài ngày, đầu bé sẽ trở lại bình thường.

2. Phát triển hệ tiêu hóa

Khi chạm mốc thai 36 tuần, nhiều cơ quan và hệ thống của bé đã trưởng thành, chẳng hạn như hệ tuần hoàn, miễn dịch. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện cho đến giai đoạn sau sinh. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng khi ở trong bụng mẹ, thai nhi nhận chất dinh dưỡng chủ yếu nhờ dây rốn nên hệ tiêu hóa mặc dù đã có nhưng chưa sẵn sàng hoạt động.

3. Thai 36 tuần sinh có sao không?

Trẻ sinh ở tuần thứ 36 được coi là “trẻ sinh non muộn”. Dù có hình dáng giống trẻ sơ sinh đủ tháng nhưng thực chất bé vẫn thuộc nhóm sinh non, phổi bé ở tuần thai này đã được coi là phát triển hoàn thiện, lượng chất béo vẫn chưa có đủ để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, nếu bé chào đời ở tuần thứ 36 thì bố mẹ cũng đừng quá lo bởi thực chất tỷ lệ sống sót của bé sinh ở tuần 36 là rất cao nếu có hỗ trợ y tế và bé sẽ vẫn đạt được các mốc phát triển tốt trong tương lai.

Mang thai 36 tuần, cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?

thai 36 tuần cơ thể mẹ thay đổi thế nào

1. Sa bụng bầu

Thai nhi 36 tuần sẽ bắt đầu di chuyển xuống phía khung xương chậu của mẹ. Quá trình này gọi là sa bụng bầu và thường xảy ra một vài tuần trước khi sinh, nếu mẹ mang thai lần đầu. Nếu mẹ đã sinh em bé trước đó, thì có lẽ dấu hiệu này sẽ không xảy ra cho tới khi chuyển dạ.

2. Đau xương chậu

Đến tuần thai 36, khi bé di chuyển xuống khung xương chậu, mẹ sẽ thấy tăng áp lực ở bụng dưới. Điều này có thể làm cho việc đi bộ ngày càng khó chịu và có thể mẹ phải đi tiểu nhiều và thường xuyên hơn. Nếu bé nằm ở vị trí thấp, mẹ có thể cảm thấy rất nhiều áp lực cũng như khó chịu ở khu vực xương chậu và âm đạo.

3. Cân nặng khi mang thai tuần 36

Đối với hầu hết các bà mẹ mang thai, tuần 36 là giai đoạn cuối của thai kỳ và đồng nghĩa với giai đoạn kết thúc quá trình tăng cân khi mang thai. Bạn có thể thấy cân nặng của mình không tăng mà còn có thể giảm xuống trong vài tuần tới. Thế nhưng, bạn không nên lo lắng, bé yêu chẳng hề sút cân đi tí nào đâu!

Trong thực tế, khi mang thai đến tuần thứ 36, việc giữ nguyên trọng lượng (hoặc giảm xuống) là một trong những cách mà cơ thể của mẹ sẵn sàng cho việc sinh nở.

Mẹ bầu mang thai 36 tuần cần lưu ý điều gì?

bí quyết ăn uống lành mạnh cho mẹ bầu

Mẹ có thể trải qua các cơn co thắt giả thường xuyên hơn từ bây giờ nên hãy tìm hiểu kỹ dấu hiệu sắp sinh. Nếu xuất hiện tần suất 3 cơn trong 10 phút thì mẹ nên đến bệnh viện ngay, tuy nhiên còn tùy thuộc vào khoảng cách từ nhà tới viện cũng như số lần sinh mà bác sĩ có thể sẽ yêu cầu riêng với mẹ khi có xuất hiện cơn co cứng bụng chuyển dạ.

  • Thai nhi 36 tuần khá lớn và có thể làm ảnh hưởng đến việc ăn uống của mẹ Giải pháp cho vấn đề này là mẹ nên có nhiều bữa ăn nhỏ thường xuyên thay vì chỉ ăn ba bữa chính.
  • Thai nhi 36 tuần đạp nhiều, đạp mạnh hơn là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, bạn nên đi khám nếu thấy thai nhi giảm hoạt động hoặc có dấu hiệu cho thấy mẹ đang bị rò rỉ nước ối, bị chảy máu âm đạo, sốt hoặc bạn cảm thấy nhức đầu dữ dội, dai dẳng, đau bụng liên tục hoặc bị hoa mắt.
  • Giai đoạn này mẹ cũng thường xuyên trải qua chứng mất ngủ, khó chịu. Vì vậy, hãy thư giãn hết mức có thể và đừng quên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh nhằm khắc phục những vấn đề trên.

Xét nghiệm khi mang thai 36 tuần

Trong giai đoạn thai kỳ 36 tuần, mẹ sẽ dành nhiều thời gian để quan sát sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Những lần khám này sẽ có rất nhiều điều thú vị: các bác sĩ sẽ ước tính khoảng thời gian bé sẽ chào đời. Tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của mẹ và cách khám của bác sĩ, bà bầu sẽ có những bài kiểm tra, xét nghiệm sau:

  • Đo cân nặng. Mẹ cũng có thể hỏi bác sĩ thai 36 tuần cân nặng bao nhiêu để đối chiếu
  • Đo huyết áp (huyết áp của mẹ có thể cao hơn giai đoạn giữa thai kỳ)
  • Đo đường và đạm trong nước tiểu
  • Kiểm tra tay, chân xem có các triệu chứng sưng phù và giãn tĩnh mạch khi mang thai
  • Kiểm tra bên trong cổ tử cung để đo độ giãn nở và mở rộng của tử cung, chuẩn bị cho em bé chào đời
  • Đo nhịp tim thai nhi qua siêu âm, đồng thời kiểm tra ngôi thai của bé
  • Đánh giá cơn co tử cung và biến động tim thai trên monitoring.

Nếu mẹ có bất kỳ vấn đề hoặc câu hỏi nào, đặc biệt là những điều liên quan đến sinh nở, bao gồm cả tần suất và thời gian kéo dài của cơn co thắt giả và các triệu chứng khác mà mẹ đã trải qua, đặc biệt là những triệu chứng không bình thường, hãy đi khám và xin ý kiến của bác sĩ và chuyên gia để được giúp đỡ kịp thời.

top