Vì sao đau rốn khi mang thai? Mẹ đã biết mẹo giảm đau hiệu quả?

Hiện tượng đau rốn khi mang thai là vấn đề thường gặp và bắt đầu xảy ra từ tam cá nguyệt thứ hai. Nhiều mẹ thắc mắc liệu đau rốn là do bụng bầu ngày càng lớn hay do bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác?

Thực chất, đau ở rốn khi mang thai là tình trạng phổ biến nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân cụ thể. Bài viết sau của Hello Bacsi chỉ tổng hợp một số nguyên nhân mang tính tương đối, lý giải tại sao đau rốn trong thai kỳ có thể xảy ra. Để được chẩn đoán chính xác hơn, cách tốt nhất là mẹ bầu nên đi khám và thông báo cho bác sĩ về tình trạng của mình.

Đau rốn khi mang thai có nguy hiểm?

KIỂM TRA NGAY!

  • Khảo sát mức độ thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai gồm 7 mục. Trong mỗi mục sẽ 2 phương án lựa chọn. * Mỗi mục bạn chỉ được chọn 1 đáp án. Kết quả trả lời của 7 câu hỏi sẽ phần nào giúp bạn xác định được mức độ thiếu máu khi mang thai của bạn.

Trên thực tế, chúng ta vẫn đang có nhiều hiểu lầm về rốn và nguyên nhân gây đau rốn. Nhiều mẹ thường lầm tưởng rằng, đau rốn là do có thứ gì đó đang kéo rốn từ bên trong thành bụng. Bên cạnh đó, một số chị em có thể cho rằng rốn của mẹ bầu được kết nối trực tiếp với tử cung, nhau thai hoặc rốn em bé.

Thế nhưng, những điều trên hoàn toàn không đúng. Sự thật là rốn của người lớn không kết nối với bất cứ cơ quan nào bên trong khoang bụng. Vì vậy, điều này cũng lý giải phần nào hiện tượng đau rốn khi mang thai thường không nguy hiểm. Cơn đau rốn diễn ra trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba là do cơ thể mẹ đang có nhiều thay đổi. Sau đó, những cơn đau này có thể biến mất theo thời gian hoặc sau khi sinh.

Nguyên nhân gây đau rốn khi mang thai

Như đã đề cập, tình trạng đau rốn trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba là phổ biến vì bụng của mẹ đang ngày càng lớn hơn. Sau đây là một số nguyên nhân lý giải vì sao tình trạng này xảy ra: 

Đau rốn liên quan đến sự kéo căng của da và cơ bụng

Sự phát triển về kích thước của thai nhi vào những tháng cuối thai kỳ sẽ khiến da và các cơ quanh bụng mẹ căng ra một cách tối đa. Theo thời gian, áp lực tử cung ngày càng lớn khiến các cơ bên phải và bên trái của bụng bị giãn nở và tạo khoảng cách. Hiện tượng này được gọi là tách cơ bụng (diastasis recti) và khiến mẹ “xổ bụng” sau sinh.

Việc tách cơ bụng không trực tiếp gây đau rốn khi mang thai. Thế nhưng, tình trạng này khiến lượng mô giữa tử cung và rốn giảm đi. Từ đó làm tăng sự nhạy cảm và áp lực ở khu vực này. Bên cạnh đó, căng da cũng có thể gây ra một số cơn đau, ngứa và rạn da ở vùng bụng bầu của mẹ.

Đau rốn khi mang thai do áp lực từ tử cung

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, tử cung của mẹ vẫn tương đối nhỏ và không vượt ra ngoài xương mu. Theo thời gian, khi em bé ngày càng lớn hơn thì kéo theo đó là tử cung sẽ nhô ra ngoài. Lúc này, áp lực từ bên trong cơ thể sẽ ảnh hưởng lên bụng và rốn của mẹ.

Hơn nữa, từ tam cá nguyệt thứ ba thì tử cung bao gồm em bé, nước ối… bên trong có thể gây áp lực mạnh mẽ lên rốn và khiến nút rốn mẹ nhô ra ngoài. Điều này không nguy hiểm nhưng việc rốn bị lồi có thể trở nên nhạy cảm và đau khi bị chạm vào.

Xỏ khuyên rốn trong thai kỳ gây đau

Đôi khi, đau rốn khi mang thai có thể liên quan đến việc bạn xỏ khuyên rốn và chưa tháo ra. Trong trường hợp này, sự căng ra của bụng bầu có thể khiến khuyên rốn bị thắt chặt. Điều này làm tăng nguy cơ bị rách da và nhiễm trùng ở vị trí xỏ khuyên.

Do đó, nếu bạn mới xỏ khuyên rốn dưới 1 năm thì nên tháo ra càng sớm càng tốt khi mang thai. Nếu vết xỏ khuyên đã có dấu hiệu nhiễm trùng (ngứa, rát, chảy dịch…) trong thai kỳ thì nên nhờ đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế để được xử lý tốt nhất.

Đau rốn khi mang thai do thoát vị rốn

Một trong những nguyên nhân gây đau rốn khi mang thai có thể lý giải rõ ràng và tìm thấy triệu chứng cụ thể đó là tình trạng thoát vị rốn. Đây là tình trạng mà ruột bị đẩy ra khoang rốn do có nhiều áp lực trong ổ bụng. Khi ruột mắc kẹt ở vùng này có thể dẫn đến viêm đau.

Thoát vị rốn rất dễ nhận biết vì bạn có thể sờ thấy một khối phồng cứng ở vùng rốn. Hiện tượng này không quá phổ biến nhưng mẹ bầu có nguy cơ thoát vị rốn nếu mang thai nhiều lần, mang đa thai hoặc béo phì. Vì vậy, nếu có triệu chứng bất thường kể trên thì bạn nên đi khám để được bác sĩ theo dõi và điều trị đúng phương pháp.

Ngoài ra, đối với một số mẹ đã từng phẫu thuật ở thành bụng thì các mô sẹo cũ cũng có thể bị kéo căng và dính vào rốn khi bụng bầu ngày càng lớn. Từ đó gây khó chịu, đau rốn khi mang thai ở những tháng cuối.

Mẹ nên làm thế nào để giảm đau rốn khi mang thai?

Nếu tình trạng đau rốn khi mang thai không liên quan đến thoát vị rốn, mẹ có thể không cần quá lo lắng. Cơn đau rốn do áp lực từ tử cung thường không nguy hiểm. Một số mẹ có thể nhanh chóng quen với cảm giác này nhưng một số mẹ có thể cảm thấy khó chịu khi bụng ngày càng to. Vậy mẹ có thể áp dụng giải pháp nào tại nhà để xoa dịu cơn đau?

Về cơ bản, để giảm đau rốn thì mẹ cần tìm cách làm giảm áp lực từ bụng. Một số mẹo sau có thể hữu ích:

  • Nên nằm nghiêng và dùng gối hỗ trợ dành cho mẹ bầu
  • Sử dụng đai đỡ bụng bầu để giúp giảm đau lưng, đau bụng khi đứng
  • Chườm ấm lên khu vực bị đau để giảm khó chịu. Mẹ cần lưu ý là không chườm quá nóng hoặc chườm đá để tránh gây bỏng hoặc khiến rốn nhạy cảm hơn
  • Xoa bóp bụng bầu nhẹ nhàng cũng có thể hữu ích. Ngoài ra, đối với vùng da quanh rốn bị khô, ngứa, kích ứng thì mẹ nên bôi kem dưỡng ẩm để xoa dịu làn da nhạy cảm.

Hầu hết các nguyên nhân gây đau rốn khi mang thai thường không nguy hiểm và không gây biến chứng trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu vùng rốn của bạn sưng đỏ, chảy máu, đau buốt hoặc đau dữ dội, kèm sốt, nôn mửa… thì nên đi khám để được bác sĩ xử lý kịp thời một số tình trạng như nhiễm trùng hoặc thoát vị rốn.

top