Cách nhận biết dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn và điều trị

Cách nhận biết dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn và điều trị

Giun sán là ký sinh trùng cư trú trong đường ruột của người hoặc động vật và lấy thức ăn từ vật chủ mà chúng ký sinh. Xét về nguy cơ, trẻ em và người già là những đối tượng dễ nhiễm giun sán nhất. Thế nhưng, đây là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến trên thế giới nên dù là người trưởng thành khỏe mạnh thì bạn vẫn có nguy cơ nhiễm giun sán nếu thói quen sinh hoạt – ăn uống kém vệ sinh. Thông thường, bạn có thể không nhận thấy dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn nếu nhiễm trùng chỉ ở mức độ nhẹ.

Mặc dù vậy thì bạn vẫn không nên chủ quan. Tình trạng nhiễm giun không được điều trị, để kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như thiếu máu, suy dinh dưỡng và tắc ruột… Do đó, điều quan trọng là bạn cần sớm phát hiện kịp thời các dấu hiệu nhiễm giun và xử lý sớm. Hello Bacsi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về những dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn để bạn tìm hiểu rõ hơn.

Tổng quan về nhiễm giun sán ở người lớn

Trước khi tìm hiểu về các dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn, việc nhận diện được đặc điểm của một số loại giun ký sinh phổ biến sau đây cũng sẽ giúp ích cho bạn: 

1. Một số loại giun sán phổ biến thường ký sinh ở người

Nhiễm giun sán là tình trạng rất phổ biến ở Việt Nam. Trong đó, một số loại giun phổ biến thường ký sinh ở người bao gồm:

  • Giun đũa: Đây là loại ký sinh trùng có kích thước lớn, có thể đạt tối đa tầm 35 cm. Giun đũa có hình ống và kích thước giống như một chiếc đũa (khoảng 25 cm). Giun có màu trắng, hồng. Đầu và đuôi thon, nhọn.
  • Giun móc: Đây là ký sinh trùng thuộc họ Ancylostomidae ký sinh ở người. Khi “cư ngụ” ở tá tràng, giun móc sẽ dùng 2 đôi răng hình móc được bố trí cân xứng cắn chặt vào niêm mạc để hút máu. Tùy thuộc vào ruột giun móc có máu hay không mà màu sắc giun sẽ có sự thay đổi, từ màu trắng sữa chuyển sang màu hồng hoặc đỏ nâu. Giun móc đực dài khoảng 8 – 11 mm trong khi giun móc cái dài khoảng 10 – 13 mm.
  • Giun tóc: Đây là loại ký sinh trùng thường sống bám vào ruột để hút máu. Giun tóc có màu hồng nhạt hoặc trắng sữa. Giun cái dài khoảng 30 – 50 mm, giun đực dài khoảng 30 – 35 mm.
  • Giun kim: Đầu hơi phình, vỏ có khía và màu trắng đục. Giun kim đực dài khoảng 2 – 5 mm, đuôi cong và có gai sinh dục. Giun kim cái dài 9 – 12 mm, đuôi nhọn, thẳng và tử cung chứa đầy trứng.
  • Sán dây: Đây là loại ký sinh trùng có thân dẹp, màu trắng đục và có nhiều đốt nối tiếp nhau. Sán dây thường ký sinh ở vật chủ trung gian là một số loài động vật trước khi truyền sang người. Vì vậy mà sán dây được chia thành một số loại khác nhau như sán dây lợn, sán dây bò, sán dây chó…

2. Con đường lây truyền giun sán

dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn

Để hiểu rõ về các dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn, cùng khám phá con đường lây lan của loại ký sinh trùng này. Về cơ bản, người lớn hoặc trẻ nhỏ có thể bị nhiễm giun sán qua một số con đường sau đây:

  • Tiếp xúc, uống nguồn nước bị ô nhiễm.
  • Tiếp xúc với đất bị ô nhiễm, chứa trứng giun, sau đó cho tay vào miệng mà không rửa tay.
  • Tiếp xúc với phân chứa trứng giun và không rửa tay. Điều này thường xảy ra khi bạn làm vườn, bón phân hữu cơ/phân chuồng chưa được xử lý cho cây trồng.
  • Ăn uống thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.
  • Một số loại giun sán cũng có thể xâm nhập qua da để chui vào cơ thể vật chủ và ký sinh. Vì vậy, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm giun nếu đi chân trần ngoài đất cát.
  • Chạm vào đồ vật hoặc bề mặt có chứa trứng giun cũng có thể tạo ra sự lây nhiễm. Đặc biệt là khi bạn có thói quen vệ sinh kém như không cắt móng tay, không rửa tay thường xuyên.

Dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn cần lưu ý

Nhiều người thường không biết các dấu hiệu bị giun sán ở người lớn hay triệu chứng nhiễm sán là gì? Đối với các trường hợp nhẹ, bạn có thể không nhận thấy các triệu chứng và dấu hiệu nhiễm sán. Ngược lại, nếu giun sinh sôi và tồn tại trong cơ thể với số lượng nhiều thì sẽ bộc phát một số dấu hiệu nhiễm giun. Các dấu hiệu nhiễm sán ở người lớn bao gồm các triệu chứng phổ biến lẫn các dấu hiệu đặc trưng theo từng loại giun ký sinh trong cơ thể bạn.

1. Dấu hiệu nhiễm giun sán phổ biến, thường gặp ở người lớn

  • Đau bụng thường tái đi tái lại là dấu hiệu bị giun mà bạn nên nghĩ đến trước tiên.
  • Tiêu chảy, một số trường hợp nhiễm giun có thể gây kiết lỵ với triệu chứng là có máu và chất nhầy trong phân.
  • Đầy hơi, chướng bụng là một trong những dấu hiệu bị sán thường gặp. 
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân cũng là dấu hiệu cần tẩy giun ở người lớn.
  • Nôn, đi ngoài ra giun.
  • Người gầy yếu, mệt mỏi, suy nhược do thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất.

2. Dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn đặc trưng theo từng loại giun ký sinh

dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn

Bên cạnh một số dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn thường gặp kể trên, một số trường hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng, dấu hiệu đặc trưng của từng loại giun sán gây ra, chẳng hạn như:

  • Giun kim (giun chỉ) thường gây ngứa hậu môn về đêm do giun cái bò ra hậu môn để đẻ trứng vào ban đêm. Thậm chí, nếu dùng đèn soi, chúng ta có thể nhìn thấy giun giống như những sợi chỉ nhỏ màu trắng nằm giữa kẽ hậu môn. Nếu người bị nhiễm giun dùng tay gãi mạnh vùng da quanh hậu môn do ngứa thì còn có thể gây ra những vết xước, mẩn đỏ.
  • Một số loại giun hút máu có thể gây ra những triệu chứng thiếu máu.
  • Một số loại giun, chẳng hạn như giun móc hoặc giun lươn có thể xâm nhập vào cơ thể qua da. Giun hoặc ấu trùng có thể di chuyển dưới da khiến da bạn nổi lên những đường màu hồng hoặc đỏ. Đồng thời, vùng da này có thể gây cảm giác ngứa ran, ngứa dữ dội. Đây là những dấu hiệu bị giun sán dưới da mà bạn có thể dễ dàng nhận biết.

Làm gì khi có dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn?

Dấu hiệu cần tẩy giun ở người lớn là những dấu hiệu nào? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!

Khi phát hiện một số dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn, bạn thường có thể điều trị tại nhà bằng thuốc tẩy giun có bán tại các hiệu thuốc. Trong đó, một số loại thuốc tẩy giun phổ biến thường được khuyên dùng bao gồm albendazole, mebendazole, ivermectin và praziquantel. Lưu ý là bạn nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn cách uống, liều lượng phù hợp và hiệu quả.

Nhìn chung, hầu hết các loại giun lây nhiễm sang người thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám nếu có những triệu chứng sau đây:

  • Có máu hoặc mủ trong phân
  • Nôn mửa thường xuyên
  • Thân nhiệt tăng cao
  • Suy nhược nặng, mất nước
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Bị ốm, tiêu chảy hoặc đau dạ dày hơn 2 tuần
  • Phát ban, ngứa da hoặc phát hiện các đường màu đỏ dài giống hình dạng giun trên da.

Nói tóm lại, ngay cả khi không có các dấu hiệu nhiễm giun sán ở người lớn rõ rệt thì bạn vẫn nên dùng thuốc tẩy giun nếu nghi ngờ nhiễm giun hoặc dùng thuốc tẩy giun định kỳ. Song song đó, bạn và gia đình cần đảm bảo các thói quen vệ sinh cần thiết như uống thuốc sổ giun định kỳ, tuân thủ quy tắc ăn chín uống sôi, rửa tay thường xuyên, rửa kỹ rau củ quả, không đi chân trần ngoài đất… để ngăn ngừa nhiễm giun sán hiệu quả.

top