Mụn nhọt ở mông và những điều cần biết

Mụn nhọt ở mông và những điều cần biết

Những nốt mụn nhọt ở mông khiến bạn khó chịu khi nằm, ngồi hay thậm chí là đi đứng. Vậy có cách trị mụn nhọt ở mông nào nhanh chóng không? Có rất nhiều nguyên nhân khiến mọc nhọt ở mông như tắc lỗ chân lông, áp xe da hay viêm nang lông.

Cùng Hello Bacsi tìm cách chữa và ngăn ngừa tình trạng mọc mụn ở mông qua bài viết sau.

Nguyên nhân mụn nhọt ở mông

Mụn nhọt ở mông có thể do dầu thừa và da chết làm tắc lỗ chân lông hoặc do một số bệnh da liễu gây ra.

1. Mọc mụn nhọt ở mông do lỗ chân lông bị tắc

Mồ hôi tiết trên da mông gây tích tụ tế bào chết, bã nhờn và làm tắc nghẽn lỗ chân lông, hình thành mụn nhọt ở mông. Các yếu tố sau sẽ kích thích khiến lỗ chân lông bị tắc như:

  • Ngồi quá nhiều
  • Mặc quần áo quá bó
  • Mặc quần áo ướt hay dính mồ hôi
  • Không thay quần lót thường xuyên.

2. Mọc mụn nhọt ở mông do viêm nang lông

Nguyên nhân bị mụn nhọt ở mông phổ biến nhất là viêm nang lông. Khi những lỗ chân lông ở mông bị kích ứng thì sẽ trở nên đỏ và sưng. Những vết sưng này có đầu trắng và có thể khiến bạn đau hoặc ngứa. Viêm nang lông không chỉ gây mụn nhọt ở mông mà có thể gây mụn ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể.

3. Ma sát với quần áo

Nguyên nhân gây viêm nang lông có thể là do cách bạn chọn quần áo. Những trang phục quá bó sẽ gây ma sát lên da, từ đó kích ứng lỗ chân lông và gây viêm. Chất liệu của quần áo cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Những loại vải quá bí như nilon hay polyester có thể tích mồ hôi, từ đó khiến viêm lỗ chân lông và gây mụn mông.

4. Dày sừng nang lông gây mụn nhọt

Không như các vết viêm đỏ khi bạn bị viêm nang lông, chứng dày sừng nang lông gây những nốt sần sùi, thô ráp nhỏ trên mông. Bệnh da liễu này xuất hiện khi có sự tích tụ keratin xung quanh lỗ chân lông. Keratin là một loại protein có chức năng tạo một lớp bảo vệ trên bề mặt da, nhưng khi keratin tích tụ quá nhiều sẽ gây ra những nốt sần.

Bệnh này có thể do di truyền và thường bùng phát mạnh ở trẻ em, sau đó bớt dần khi bé lớn. Mặc dù chứng dày sừng nang lông có thể gây mụn nhọt ở mông khá phiền phức nhưng những nốt mụn này thường không nguy hiểm.

5. Do thay đổi nội tiết tố

Hormone bên trong thay đổi ở tuổi dậy thì và ở nữ giới trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong thời kỳ mang thai sẽ khiến cho tuyến dầu tại vùng mông hoạt động mạnh hơn. Từ đó, lỗ chân lông bị quá tải và dẫn đến tình trạng mọc mụn nhọt ở mông.

6. Do chế độ ăn uống không lành mạnh

Thường xuyên ăn đồ cay nóng, thực phẩm nhiều chất bảo quản khiến chức năng gan suy giảm. Điều này dẫn đến việc đào thải độc tố ra ngoài kém hơn, gây nên tình trạng mụn nhọt ở mông. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ quá nhiều đường, tinh bột hay sữa sẽ khiến nguy cơ bị mụn nhọt ở mông ngày càng gia tăng.

7. Do tẩy lông, cạo lông không đúng cách

Tẩy lông và cạo lông sai cách sẽ khiến da bị tổn thương dẫn đến tình trạng viêm nhiễm và sinh ra mụn nhọt.

8. Căng thẳng

Stress kéo dài rất dễ khiến cơ thể bị rối loạn ở một số chức năng, thậm chí là mất ngủ. Điều này cũng rất dễ gây nổi mụn ở bất kỳ vị trí nào, không ngoại trừ vùng da mông.

9. Nổi mụn nhọt ở mông: Biểu hiện bệnh áp xe da

Nếu mụn nhọt ở mông bạn lớn, đau và mọc thành từng cụm thì đây có thể là triệu chứng của bệnh áp xe da. Mụn thường nhỏ lúc đầu nhưng sẽ nhanh chóng lớn lên và gây đau. Các khối áp xe thường xuất hiện ở mông nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ vùng nào trên cơ thể.

Áp xe da là tình trạng lỗ chân lông bị nhiễm trùng. Tụ cầu vàng là nguyên nhân gây áp xe phổ biến nhất nhưng các vi khuẩn khác như liên cầu khuẩn hoặc vi khuẩn pseudomonas cũng có thể gây bệnh. Một số loại nấm cũng có thể gây áp xe nhưng trường hợp áp xe da do nhiễm nấm rất hiếm.

Dấu hiệu mọc mụn nhọt ở mông

mụn nhọt ở mông

Dấu hiệu phổ biến nhất khi mọc mụn nhọt là hình thành một vết sưng đỏ, đau và nổi cục u nhỏ trên da. Nốt mụn này sẽ phát triển theo thời gian, tích mủ, gây viêm đỏ vùng da lân cận và làm sưng quanh nốt mụn.

Thông thường bị mọc mụn ở mông bắt đầu như một điểm đau nhỏ, kích thước bằng hạt đậu. Tuy nhiên, đôi khi mụn nhọt ở mông bị vỡ ra hoặc chai lì, điều này có thể là do quá trình ma sát da hoặc áp dụng cách trị mụn nhọt ở mông phù hợp.

Các dấu hiệu nhận biết khác:

  • Nhọt có trung tâm màu trắng hoặc vàng
  • Sưng xung quanh nốt nhọt
  • Phát triển các nốt nhọt nhỏ hơn ở vùng da xung quanh
  • Mệt mỏi
  • Ngứa xung quanh nốt nhọt.

Bị mụn nhọt ở mông có nguy hiểm không?

Mụn mọc ở mông sẽ khiến bạn cực kỳ khó chịu khi nằm, ngồi hay thậm chí khi đứng. Và nếu bạn vẫn tiếp tục mặc đồ bó, đi lại hoặc ngồi nhiều sẽ khiến nốt mụn ở mông bị vỡ ra và gây nhiễm trùng nặng hơn, thậm chí gây nên tình trạng chảy máu rất nguy hiểm.

  • Bạn cần lưu ý khi thấy các dấu hiệu nhọt ở mông sưng to kèm đau nhức nặng trong thời gian dài mà vẫn không dứt, thì bạn nên đến bác sĩ khám để được điều trị tốt nhất.
  • Tuyệt đối không nên tự ý nặn mụn hay thoa bất kỳ các loại thuốc không rõ nguồn gốc lên vùng da này. Điều này có thể khiến tình trạng bị mụn ở mông ngày càng trầm trọng hơn.

Cách trị mụn nhọt ở mông tại nhà

mụn nhọt ở mông

Cách trị mụn nhọt ở mông hiệu quả

Mọc mụn ở mông dù đau hay không cũng gây khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày. Bạn có thể tham khảo một số cách trị mụn nhọt ở mông tại nhà sau để khắc phục tình trạng này nhé.

  • Cách trị mụn nhọt ở mông với benzoyl peroxide: Bạn hãy sử dụng một số loại sữa tắm có chứa benzoyl peroxide để trị mụn nhọt ở mông. Chất này có khả năng sát trùng nên có thể chữa tình trạng viêm nang lông, từ đó giúp trị nhọt ở mông hiệu quả.
  • Cách chữa mụn nhọt ở mông với axit salicylic: Bạn có thể trị mụn nhọt ở mông bằng các sản phẩm trị mụn chứa axit salicylic. Axit này có thể giúp bạn loại bỏ dầu thừa và tẩy tế bào da chết để lỗ chân lông thông thoáng hơn, từ đó giảm mụn.
  • Giữ da khô thoáng: Bên cạnh đó, bạn nên cố gắng giữ da khô thoáng, tránh nặn mụn nhọt để tình trạng da không trầm trọng thêm. Nếu tình trạng mọc nhọt ở mông không thuyên giảm, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Cách ngăn ngừa mụn nhọt ở mông

mụn nhọt ở mông

Ngăn ngừa tình trạng mọc mụn ở mông

Việc nổi mụn nhọt ở mông là bình thường và bạn khó có thể ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số cách sau để giảm thiểu nguy cơ bị mụn.

1. Tắm ngay sau khi tập thể dục

Sau khi tập thể dục xong khoảng 20 – 30 phút, bạn nên đi tắm để loại bỏ mồ hôi, dầu thừa và bụi bẩn trên da. Việc này sẽ giúp thông thoáng lỗ chân lông và ít mọc mụn hơn. Việc mặc quần áo tập ướt mồ hôi có thể làm tăng nguy cơ mọc mụn nhọt ở mông nên dù không kịp tắm ngay sau khi tập, bạn cũng nên thay quần áo khô ráo hơn nhé.

2. Dưỡng ẩm để tránh tình trạng bị nhọt ở mông

Nếu bạn lo rằng việc bôi kem dưỡng da sẽ làm tình trạng tắc lỗ chân lông trầm trọng hơn thì hãy dùng sản phẩm dưỡng da có axit lactic. Loại axit này sẽ giúp bạn cấp nước và tẩy tế bào chết cho da. Khi da đã đủ ẩm, bạn sẽ ngăn ngừa được chứng dày sừng nang lông cũng như tình trạng mọc mụn ở mông.

3. Tẩy tế bào chết cho da

Tẩy tế bào chết là bước quan trọng khi bạn muốn chữa bất cứ loại mụn nào. Bạn hãy chọn những sản phẩm tẩy tế bào chết chứa axit glycolic. Đây là một thành phần chữa mụn nhọt ở mông rất tốt nhờ khả năng giữ cho lỗ chân lông thông thoáng. Chất này cũng có thể làm sáng các vết thâm mụn trên da do mụn để lại.

4. Mặc quần áo phù hợp 

Bạn hãy ưu tiên những loại đồ lót bằng cotton để da được thông thoáng hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh những quần áo quá bó để hạn chế ma sát lên da, và khiến mọc nhọt ở mông.

5. Tránh những thực phẩm gây mụn 

Để hạn chế tình trạng nổi mụn ở mông, bạn cần tránh những món ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn quá ngọt hay quá cay. Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và thường xuyên vận động thể lực.

Những nốt mụn nhọt ở mông tuy không ai thấy nhưng lại gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh.” Do đó, bạn hãy chú ý giữ vệ sinh cơ thể, chọn quần áo phù hợp và ăn uống khoa học để bảo vệ vùng da nhạy cảm này. 

top