Bị huyết áp thấp nên làm gì? 6 cách làm tăng huyết áp

Bị huyết áp thấp nên làm gì? 6 cách làm tăng huyết áp

Để phục hồi tình trạng huyết áp thấp, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh và/hoặc uống thuốc theo đơn. Hầu hết trường hợp bị huyết áp thấp không quá nghiêm trọng chỉ cần áp dụng một số cách tự nhiên tại nhà sẽ tránh được tình trạng này tái phát. 

Huyết áp thấp phải làm sao? Cùng Hello Bacsi tham khảo 6 cách dưới đây nhé.  

1. Cách làm tăng huyết áp nhanh tại nhà đơn giản nhất là uống nước

cô gái uống nước khi bị huyết áp thấp

Khi bị huyết áp thấp, bạn nên đảm bảo uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày với từng ngụm nhỏ. Bổ sung nước đúng cách sẽ giúp bạn tăng thể tích máu, ngăn ngừa sự mất nước, từ đó ổn định huyết áp. Bạn cũng có thể dùng nước ép trái cây như uống nước ép lựu, nước ép nho hay nước ép táo. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định bạn uống oresol – một dung dịch có chứa chất điện giải để bù nước.

Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyên bạn uống cà phê hoặc trà để tạm thời làm tăng huyết áp khi bị huyết áp thấp. Thế nhưng, việc dùng caffeine quá liều có thể khiến bạn gặp các tác dụng phụ như căng thẳng, dễ bị kích động, mất ngủ và nhịp tim đập mạnh. Do đó, bạn đừng lạm dụng những đồ uống này nhé.

2. Xây dựng thực đơn dinh dưỡng

Cách tăng huyết áp nhanh nhất có thể kể đến là áp dụng chế độ ăn cho người huyết áp thấp. Bạn cần bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như:

  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Trái cây
  • Rau củ, đặc biệt là húng quế, cà rốt
  • Thịt gà và cá
  • Nho khô
  • Sữa
  • Hạnh nhân và các loại hạt khác.

Bên cạnh đó, bạn có thể ăn mặn hơn một chút, nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ về lượng muối thêm vào khẩu phần ăn. Ngoài ra, bạn cũng nên chia khẩu phần ăn thành từng bữa nhỏ để ngăn ngừa huyết áp giảm mạnh sau bữa ăn nhé.

3. Hạn chế rượu bia khi bị huyết áp thấp

hạn chế rượu bia khi bị huyết áp thấp

Bị huyết áp thấp nên làm gì? Đừng bỏ qua việc kiểm soát lượng rượu bia. Bởi vì đồ uống có cồn khiến cơ thể mất nước và làm giảm huyết áp trầm trọng. Hậu quả là máu không được vận chuyển đến não gây chóng mặt.

Tình trạng chóng mặt do uống rượu bia có thể là dấu hiệu của đột quỵ nếu đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng khác như loạn nhịp tim, mất nước hay mất máu đáng kể.

4. Làm gì để tăng huyết áp? Mang vớ nén

Mẹo làm tăng huyết áp đơn giản nhất chính là mang vớ nén. Vớ nén tạo áp lực cao ở bàn chân và giảm dần khi lên trên. Nhờ đó, nó giúp giảm lượng máu đi xuống chân, tăng lượng máu đến những cơ quan quan trọng hơn như não bộ, tim.

Ngoài ra, loại vớ này còn giúp cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch chi dưới. Khi bị giãn tĩnh mạch, máu bị ứ đọng tại chi dưới nên máu đưa về não giảm gây ra hiện tượng tụt huyết áp. 

5. Chú ý khi thay đổi tư thế khi bị huyết áp thấp

Việc thay đổi tư thế đột ngột có thể khiến người bị huyết áp thấp chóng mặt, thậm chí té xỉu. Vì thế, bạn cần cẩn trọng khi đứng lên đột ngột sau khi ngồi hoặc nằm lâu. Vào buổi sáng sau khi thức dậy, bạn hãy hít thở sâu trong vài phút tại giường, rồi sau đó từ từ ngồi dậy trước khi đứng. Bạn cũng nên kê cao chân khi ngủ để giúp máu chảy về tim tốt hơn. 

Bạn cũng có thể ngồi ở tư thế hai chân bắt chéo và siết chặt để ép mạch máu chi dưới, đẩy máu về tim. Tuy nhiên, đây chỉ là cách xử lý tạm thời chứ không nên thực hiện lâu dài. Vì tư thế ngồi bắt chéo chân lâu dài có thể cản trở lưu thông máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông sâu trong mạch

6. Cách chữa huyết áp thấp: Tập thể dục nhẹ nhàng

Một trong những nguyên nhân gây ra huyết áp thấp là do rối loạn tuần hoàn máu. Vì vậy, để củng cố thành mạch và nâng cao khả năng co bóp của cơ tim, người bị huyết áp thấp nên thường xuyên tập thể dục với những bài tập nhẹ nhàng như:

  • Đi bộ
  • Chạy bộ 
  • Bơi lội
  • Thiền
  • Yoga.

tập thể dục nhẹ nhàng khi bị huyết áp thấp

Hướng dẫn xử trí khi bị huyết áp thấp

  • Nằm xuống giường và kê gối cao
  • Uống nhiều nước nhưng uống từng ngụm nhỏ.
  • Bổ sung ngay lập tức một viên chocolate, phô mai, sữa, sữa chua, các loại ngũ cốc hay nho khô; hoặc uống nước sâm, trà gừng, cà phê hoặc chè đặc
  • Nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, nên đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ hỗ trợ kịp thời.

Những cách điều trị huyết áp thấp tại nhà trên đây sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe của mình tốt hơn. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, bạn nên thường xuyên kiểm tra huyết áp định kỳ để có những biện pháp ổn định huyết áp lâu dài.

top