Huyết áp trung bình của mỗi độ tuổi là không giống nhau. Việc tìm hiểu về chỉ số huyết áp bình thường sẽ giúp bạn phát hiện sớm tình trạng huyết áp thấp, huyết áp cao và có biện pháp khắc phục sớm.
Huyết áp ảnh hưởng đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, các bác sĩ đều khuyên nên giữ huyết áp trong ngưỡng khỏe mạnh. Vậy, bạn đã biết huyết áp trung bình là gì? Chỉ số huyết áp theo độ tuổi là bao nhiêu?
Huyết áp trung bình là gì?
Chỉ số huyết áp trung bình là khoảng chỉ số huyết áp mà một người khỏe mạnh có được. Hai thông số của huyết áp là huyết áp tâm trương (chỉ số dưới) và huyết áp tâm thu (chỉ số trên).
Huyết áp của bạn dao động trong cả ngày, thường thấp nhất lúc 1-3 giờ sáng và tăng cao nhất từ 8-10 giờ sáng.
Bên cạnh đó, khi bạn gắng sức, tinh thần căng thẳng hoặc đang trải qua xúc động mạnh đều có thể khiến huyết áp tăng lên. Trong khi đó, huyết áp sẽ hạ xuống khi cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn.
Con số lý tưởng cho huyết áp bình thường là bao nhiêu được thể hiện trong bảng dưới đây:
Bảng chỉ số huyết áp theo từng giai đoạn
Chỉ số huyết áp bình thường là gì?
Huyết áp bình thường là bao nhiêu: Huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg.
- Huyết áp cao là bao nhiêu: Huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ mức 90 mmHg trở lên.
- Tiền cao huyết áp: Huyết áp tâm thu trong khoảng 120-129 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg.
- Huyết áp bao nhiêu là thấp: Huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg.
>>> Bạn có thể quan tâm: Các cách tự kiểm tra huyết áp tại nhà chính xác
Huyết áp của người bình thường là bao nhiêu?
Thông thường huyết áp trung bình ở người trưởng thành là dưới 120/80 mmHg. Nếu bạn bị tiểu đường hoặc gặp vấn đề về thận, con số huyết áp tốt nhất nên được duy trì dưới 130/80 mmHg.
Cụ thể hơn, mỗi độ tuổi đều có một mức huyết áp trung bình tương ứng. Tuổi càng cao, thành mạch máu càng kém đàn hồi và huyết áp có khuynh hướng tăng lên. Bạn có thể tham khảo huyết áp trung bình theo độ tuổi dưới đây:
- Trẻ sơ sinh từ 1–12 tháng: Chỉ số đo huyết áp bình thường là 75/50 mmHg, giá trị cao nhất có thể đạt tới là 100/70 mmHg.
- Trẻ 1–5 tuổi: Chỉ số huyết áp trung bình là 80/50 mmHg, mức tối đa đạt được là 110/80 mmHg.
- Trẻ 6–13 tuổi: Giá trị huyết áp bình thường là 85/55 mmHg, mức huyết áp tối đa đạt 120/80 mmHg.
- Trẻ 13–15 có chỉ số huyết áp trung bình là bao nhiêu? Khoảng 95/60 mmHg, giá trị cao nhất là 104/70 mmHg.
- Huyết áp bình thường là bao nhiêu đối với trẻ vị thành niên từ 15–19 tuổi? Chỉ số huyết áp theo độ tuổi từ 15 – 19 tối thiểu là 105/73 mmHg, trung bình là 117/77 mmHg và tối đa là 120/81 mmHg.
- Ở tuổi 20–24 tuổi, huyết áp người trẻ bao nhiêu là bình thường? Mức huyết áp thấp nhất, bình thường và cao nhất được xem là nằm trong phạm vi an toàn lần lượt là 108/75 mmHg, 120/79 mmHg và 132/83 mmHg.
- Huyết áp bình thường của thanh niên từ 25–29 tuổi: Các giá trị tối thiểu, trung bình và tối đa lần lượt gồm 109/76 mmHg, 121/80 mmHg và 133/84 mmHg.
- Người 30–34 tuổi: Chỉ số huyết áp dao động từ 110/77mmHg đến 134/85 mmHg, giá trị trung bình là 122/81 mmHg.
- Người 35–39 tuổi: Chỉ số huyết áp bình thường theo độ tuổi này là 111/78 – 135/86 mmHg.
- Người 40–44 tuổi có mức huyết áp bình thường là bao nhiêu? Chỉ số huyết áp bình thường là 125/83 mmHg. Trong đó, mức tối thiểu là 112/79 mmHg, tối đa 137/87 mmHg.
- Trung niên từ 45–49 tuổi: Giá trị trung bình, tối thiểu và tối đa lần lượt là 127/64 mmHg, 115/80 mmHg và 139/88 mmHg.
- Người cao tuổi (50–54) có mức huyết áp trung bình là bao nhiêu? Phạm vi lý tưởng của chỉ số huyết áp người cao tuổi là 116/81 – 142/89 mmHg. Trong đó, giá trị trung bình là 129/85 mmHg.
- Người lớn tuổi (55–59): Khoảng 118/82 – 144/90 mmHg. Giá trị trung bình là 131/86 mmHg.
- Huyết áp của người trên 60 tuổi trở lên bao nhiêu là bình thường, huyết áp bình thường của người già là bao nhiêu? Chỉ số huyết áp trung bình là 134/87 mmHg, thường dao động mức tối thiểu và tối đa lần lượt là 121/83 mmHg và 147/91 mmHg.
>>> Bạn có thể quan tâm: Chứng cao huyết áp ở người cao tuổi
Lưu ý để đo huyết áp chính xác
- Trước khi đo huyết áp 15 phút, bạn nên chọn tư thế ngồi dễ chịu nhất, thả lỏng người, nghỉ ngơi.
- Khi đo huyết áp lần đầu nên đo cả hai tay để xem huyết áp ở tay nào cao hơn thì lần sau chọn tiếp tay đó để đo.
- Khuyến khích nên đo huyết áp 2 lần/ngày: sáng trước khi ăn cơm và chiều ngay sau bữa ăn 1 tiếng…
Làm sao để luôn có chỉ số huyết áp trung bình khỏe mạnh?
Có nhiều yếu tố làm thay đổi chỉ số huyết áp trung bình. Chủ động phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hay huyết áp thấp ngay từ đầu là phương pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe tim mạch của chính mình.
Duy trì huyết áp bình thường bằng chế độ ăn uống lành mạnh
Bạn nên ăn uống cân bằng với đầy đủ các nhóm thực phẩm sau đây:
- Tinh bột từ ngũ cốc nguyên cám
- Chất đạm nạc từ thịt nạc, cá, thịt gia cầm, các loại đậu
- Chất béo lành mạnh từ thực vật
- Chất xơ, vitamin và khoáng chất từ rau xanh, trái cây tươi
- Thêm dinh dưỡng từ sữa ít béo.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý ăn nhạt để tránh giữ nước khiến huyết áp tăng.
>>> Bạn có thể quan tâm: 4 nguyên nhân làm tăng huyết áp ít ai biết đến
Thường xuyên tập thể dục
Rèn luyện thể chất đều đặn luôn là biện pháp nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng tốt nhất.
Hãy cố gắng tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về những bài tập phù hợp nếu có thể trạng đặc biệt.
>>> Bạn có thể quan tâm: Tụt huyết áp nên làm gì? Mẹo chữa tụt huyết áp tại nhà
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn biết chỉ số huyết áp trung bình theo tuổi, đồng thời bỏ túi một số biện pháp ngăn ngừa tăng hoặc hạ huyết áp ngay từ đầu.